Tổ chức Đại_học_Cambridge

Cambridge thuộc loại hình đại học có nhiều trường thành viên, nghĩa là viện đại học được cấu thành bởi những trường thành viên độc lập và tự trị, mỗi trường có tài sản và lợi tức riêng. Hầu hết các trường thành viên tập hợp ban giảng huấn và sinh viên từ nhiều ngành học khác nhau, mỗi ngành có khoa, trường hoặc ban riêng, nhưng đều thuộc viện đại học.

Các khoa, dưới sự giám sát của Ban Quản trị, chịu trách nhiệm tổ chức giảng dạy, mở hội nghị chuyên đề, hướng dẫn nghiên cứu và định hướng các môn học. Ban Quản trị cùng bộ máy hành chính trung tâm, đứng đầu là Phó Viện trưởng, hình thành nên Viện Đại học Cambridge. Những tiện nghi giáo dục như thư viện được cung cấp đầy đủ tại mọi cấp: tại viện đại học (Thư viện Đại học Cambridge), tại các khoa (những thư viện khoa như Thư viện Luật Squire), và tại trường thành viên (mỗi trường thành viên đều có thư viện đa ngành với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên cấp cử nhân).

Trường thành viên

Một phần Đại học Cambridge nhìn từ Nhà nguyện St John's

Trường thành viên - những định chế tự trị có tài sản riêng và tự mình vận động gây quỹ - được xem là một thành phần của viện đại học. Tất cả sinh viên cùng hầu hết giảng viên đều ràng buộc với một trường thành viên. Vị trí then chốt của các trường thành viên có được là nhờ cơ sở vật chất, phúc lợi, chức năng xã hội, và chương trình giảng dạy dành cho sinh viên cấp cử nhân. Tất cả khoa, ban, trung tâm nghiên cứu, và thư viện đều trực thuộc viện đại học, những đơn vị này cung ứng các giảng khóa và cấp học vị, riêng việc tổ chức sinh viên chương trình cử nhân thành những nhóm nhỏ có giáo viên hướng dẫn – không hiếm khi chỉ có một sinh viên - đều được thực hiện tại các trường thành viên. Trường thành viên tự bổ nhiệm ban giảng huấn, những người này cũng là thành viên các ban của viện đại học.

Cambridge có 31 trường thành viên, trong đó có 3 trường dành riêng cho nữ: Murray Edwards, Newham, và Lucy Cavendish. Những trường khác nam nữ học chung, mặc dù trước đây hầu hết đều là trường nam. Darwin là trường đầu tiên nhận cả nam lẫn nữ, trong khi Churchill, Clare, và King’s là trường toàn nam cho đến năm 1972 mới thu nhận nữ sinh viên. Mãi đến năm 1988, trường Magdalene mới chịu thu nhận nữ sinh viên, và là trường sau cùng tiếp nhận phụ nữ.[39] Clare Hall và Darwin chỉ đào tạo cao học, còn Hughes Hall, Lucy Cavendish, St Edmund’s, và Wolfson chỉ nhận người trưởng thành (quy định tuổi nhập học là 21 tuổi trở lên), cả cấp cử nhân và cao học. Những trường còn lại có chương trình cử nhân và cao học mà không giới hạn tuổi.

Không phải trường thành viên nào cũng cung ứng đầy đủ các ngành học, một số trường chọn đào tạo một số ngành như kiến trúc, lịch sử nghệ thuật, hoặc thần học, nhưng hầu hết các trường thành viên đều đào tạo đa ngành. Một số trường thiên về một vài môn học, thí dụ như trường Churchill chuyên sâu về khoa học và kỹ thuật.[40] Sinh viên trường King’s nổi tiếng do có lập trường chính trị thiên tả,[41] trong khi những người theo học tại trường Robinson hay trường Churchill được biết tiếng do nỗ lực làm giảm thiểu tác hại môi trường.[42]

Cầu Than thở tại St John's College.

Chi tiêu cho ăn ở cũng như chi phí học tập tại Cambridge là khác nhau, phụ thuộc vào mỗi trường thành viên.[43][44][45]

Cũng có những trường thần học ở Cambridge nhưng liên kết với viện đại học ở mức độ thấp hơn như Wescott House, Westminster College và Ridley Hall.[46]

Danh sách 31 trường thành viên:

Trường, Khoa, và Ban

Trung tâm hành chính của viện đại học, The Old Schools

Ngoài 31 trường thành viên, viện đại học còn có 150 ban, khoa, trường, tổ chức, và các cơ sở khác. Thành viên của những định chế này cũng là thành viên của các trường thành viên; họ chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ chương trình học thuật của viện đại học.

Một "Trường" của Đại học Cambridge là tập hợp các khoa hữu quan và những đơn vị khác. Mỗi trường thành lập ban quản trị thông qua bầu cử - gọi là "Hội đồng" của trường – gồm có đại diện của những đơn vị cấu thành. Hiện Cambridge có sáu trường:[47]

  • Nghệ thuật và Nhân văn
  • Khoa học sinh học
  • Y học lâm sàng

  • Nhân văn và Khoa học Xã hội
  • Khoa học Vật lý
  • Kỹ thuật

Các khoa chịu trách nhiệm tổ chức giảng dạy và nghiên cứu. Ngoài ra, còn có những một vài đơn vị gọi là "Syndicate" cũng có chức năng hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu như Cambridge Assessment, University Press, và University Library.

Hành chính

Công tước Edinburg, Viện trưởng Đại học Cambridge cho đến khi về hưu năm 2011

Viện trưởng và Phó Viện trưởng

Chức vụ Viện trưởng (Chancellor) của viện đại học, không giới hạn nhiệm kỳ và chỉ có tính nghi lễ, hiện đang thuộc về David Sainsbury, Nam tước Sainsbury của Turville, sau khi Công tước Edinburg (Phu quân Nữ hoàng Elizabeth II) về hưu vào sinh nhật thứ 90 của ông trong tháng 6 năm 2011.[48]

Ngoài Lord Sainsbury còn có Abdul Arain, chủ một cửa hiệu tạp hóa, Brian Blessed, diễn viên, và Michael Mansfield, một luật sư, cũng được đề cử vào chức vụ này.[49][50][51] Cuộc bầu cử diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng 10 năm 2011.[51] David Sainsbury giành được 2 839 trong tổng số 5 888 phiếu bầu, đắc cử ngay từ lần kiểm phiếu đầu tiên.

Phó Viện trưởng đương nhiệm là Leszek Borysiewics, nhà miễn dịch học người Anh gốc Ba Lan, khởi đầu nhiệm kỳ bảy năm từ ngày 1 tháng 10 năm 2010. Khác với chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng trong thực tế là người lãnh đạo viện đại học. Hầu hết thành viên ban quản trị là người của viện đại học.[52]

Senate và Regent House

Tất cả những người được Cambridge cấp bằng Thạc sĩ trở lên đều là thành viên của Senate, có quyền bầu chọn Viện trưởng và High Steward, cũng như bầu hai thành viên của Viện Thứ dân Vương quốc Anh cho đến khi Hiến chương Đại học Cambridge bị hủy bỏ năm 1950.

Trước năm 1926, Senate là ban quản trị của viện đại học, thực hiện chức năng của Regent House ngày nay.[53] Regent House là ban quản trị của viện đại học, bao gồm tất cả thành viên quan trọng đang làm việc tại viện đại học và các trường thành viên, cùng Viện trưởng, High Steward, Deputy High Steward, và Commissary.[54]

Niên khóa

Có ba học kỳ cho mỗi năm học: Học kỳ Michalelmas bắt đầu từ tháng 10 và chấm dứt vào tháng 12; Học kỳ Lent từ tháng 1 đến tháng 3; và Học kỳ Easter từ tháng 4 đến tháng 6.[55]

Senate House được chiếu sáng trong lễ kỷ niệm 800 năm thành lập Đại học Cambridge

Các giảng khóa thuộc chương trình cử nhân kéo dài tám tuần lễ cho mỗi học kỳ. Theo quy định của viện đại học, tất cả sinh viên phải cư trú trong vòng 10 dặm chung quanh Nhà thờ St Mary the Great – giáo đường của viện đại học. Sinh viên chỉ được cấp bằng cử nhân nếu tuân thủ quy định này trong chín học kỳ (ba năm), đối với bằng thạc sĩ khoa học, kỹ sư, hoặc toán học phải tuân thủ trong 12 học kỳ (4 năm).[56][57]

Các học kỳ ở Cambridge đều ngắn hơn nếu so sánh với nhiều đại học khác ở Anh.[58] Sinh viên cũng phải chuẩn bị kỹ bài vở trong ba kỳ nghỉ lễ (Giáng sinh, Phục sinh, và những kỳ nghỉ đông).

Giảng dạy

Các ban của viện đại học chịu trách nhiệm tổ chức những buổi giảng bài trong khi các trường thành viên tổ chức những buổi thảo luận. Những môn khoa học có thêm những buổi thực tập ở phòng thí nghiệm, cũng trong trách nhiệm của các ban. Trong những buổi thảo luận, sinh viên được chia thành những nhóm nhỏ (thường từ một đến ba người) thảo luận dưới sự hướng dẫn của một giáo viên hoặc một nghiên cứu sinh.

Thường thì sinh viên được yêu cầu chuẩn bị chu đáo nội dung họ sẽ thảo luận với giáo viên cũng như trình bày những khó khăn họ gặp đối với bài giảng trong lớp. Bài tập thường là một tiểu luận về một chủ đề giáo viên chọn sẵn, hoặc một vấn đề giảng viên đã nêu ở lớp. Tùy thuộc vào môn học và trường thành viên, sinh viên có thể có từ một đến bốn buổi thảo luận mỗi tuần.[59]

Tài chính

Cho đến nay, Cambridge là viện đại học giàu có nhất, không chỉ ở Anh mà trên toàn châu Âu, với những khoản đóng góp lên đến 4,3 tỉ bảng Anh trong năm 2011,[60] trong đó có khoảng 1,6 tỉ trực tiếp đến viện đại học và 2,7 tỉ đến các trường thành viên[60] (cũng trong năm 2011, Oxford chỉ có khoảng 3,3 tỉ bảng Anh).[61] Ngân quỹ điều hành của viện đại học vượt quá con số 1 tỉ bảng Anh mỗi năm. Mỗi trường thành viên là một định chế độc lập, có những khoản quyên tặng riêng. Nếu so sánh với những viện đại học ở Mỹ, Cambridge chiếm vị trí thứ năm trong số tám học viện thuộc Ivy League, và thứ mười một trong tất cả đại học ở Hoa Kỳ,[60] mặc dù sự so sánh này là khá khập khiễng bởi vì Cambridge là một đơn vị được hưởng trợ cấp từ ngân sách quốc gia. Phần lớn lợi tức của Cambridge đến từ những khoản học bổng và trợ cấp cho nghiên cứu và học tập do chính quyền Vương quốc Anh cung cấp. Một khoản lợi tức khác đến từ những hoạt động của nhà xuất bản Cambridge University Press.[62]

Năm 2000, Tổ chức Bill và Melinda Gates tặng 210 triệu USD thông qua Chương trình Học bổng Gates cho sinh viên đến từ bên ngoài Anh Quốc theo học chương trình cao học tại Cambridge.[63]

Năm 2000 khi Chiến dịch Kỷ niệm 800 năm Cambridge được tiến hành với mục tiêu đến năm 2012 gây quỹ 1 tỉ bảng Anh – chiến dịch gây quỹ kiểu Mỹ đầu tiên được vận hành tại châu Âu – chỉ đến niên khóa 2009-10, số tiền quyên tặng đã lên đến 1,037 tỉ.[64]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đại_học_Cambridge http://www.cambridgephenomenon.com/what-phenomenon... http://cambridgescholarsprogramme.com/cambridge/ http://rankings.ft.com/businessschoolrankings/univ... http://www.ft.com/cms/s/0/f1126d04-c0fc-11df-99c4-... http://books.google.com/?id=Ms8OAAAAQAAJ&pg=PA202&... http://books.google.com/books?id=7og8AAAAIAAJ&pg=P... http://www.guinnessworldrecords.com/world-records/... http://www.msnbc.msn.com/id/14321230/site/newsweek... http://www.prweb.com/releases/2005/1/prweb201396.h... http://www.shanghairanking.com/ARWU2012.html